Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua

Đánh giá bài viết

Người ta thường hình dung về lập trình viên như những thằng khô khan, lầm lì, ít nói, suốt ngày cắm mặt cắm mũi vào màn hình laptop trong khi 10 ngón tay “múa phím” loạn xạ. Nhưng bạn biết cách nhanh nhất để khiến một lập trình viên “tự tại giữa vô thường” chuyển hóa sang “bộc phát” là gì không? – Đó là sở hữu một chiếc laptop cùi bắp, chậm rì để đồng hành cùng hành trình viết code và thực hành nghề.

Đối với những người sử dụng phổ thông, laptop đã là một “cạ cứng” để bạn vừa có thể làm việc, vừa học tập, lại còn phục vụ cho mục đích xem phim con hêu hay game giếc giải trí, thì bạn cứ thử hình dung là với một thằng developer nó sẽ còn “đẻ” ra bao nhiêu cái tiêu chí để lựa chọn một con laptop “ngon nghẻ” để phục vụ cho công việc lập trình nữa?

Và nếu bạn là một newbie trong ngành lập trình, đang loay hoay đầu tư một chiếc laptop để chinh chiến cùng, hoặc đang có nhu cầu đổi lap thì Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua chúng tôi gợi ý sau đây chắc chắn sẽ bổ sung kha khá lựa chọn hợp lý mà bạn có thể cân nhắc cho quyết định của mình.

Những dữ liệu trong bài viết này được tổng hợp và khảo sát trên nhu cầu sử dụng của đội ngũ lập trình viên đang “sấp mặt” với hàng nghìn dự án tại Công ty thiết kế website cao cấp Mona Media, để giúp các bạn có cái nhìn khách quan và chân thực hơn từ chính những chuyên gia trong ngành.

Có phải “con” laptop nào cũng có thể sử dụng để lập trình hay không?

Câu trả lời là đúng!

Ô, nếu như thế thì mục đích mà chúng tôi gửi gắm đến bạn bài viết này là gì? Nói như thế những con lap cùi Celeron cũng có thể mang đi lập trình chứ cần quái gì phải cân nhắc mua laptop mạnh mẽ, hiện đại, nhanh, bền, tốt?

Tất nhiên, sự thật là hầu như mọi dòng laptop đều có thể sử dụng cho mục đích lập trình được, nhưng chắc chắn một chiếc máy laptop mạnh để có thể tự test các công nghệ mới, tự làm các dự án cá nhân vẫn sẽ làm tăng năng suất làm việc của bạn lên đáng kể chứ đúng không? Tôi lấy ví dụ, giả dụ như thời gian bạn sử dụng laptop mỗi ngày là 8-10 tiếng, thì một chiếc máy chỉ cần tối ưu tốc độ xử lý nhanh hơn khoảng 10% thôi, cũng có thể giúp bạn tiết kiệm được 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho cuộc sống riêng của mình, để tìm gấu, hay để gấu bạn bớt phàn nàn rằng “Sao anh lo làm mãi mà không dành thời gian cho em?”

Lựa chọn một chiếc laptop “xịn” chuyên dụng dành cho công việc lập trình ngay từ đầu cũng là cách để bạn tiết kiệm được chi phí nâng cấp, sửa chữa về sau. Có thể hiện tại bạn sẽ cho rằng chúng ta đang tính quá xa, rằng công việc của bạn chỉ quanh quẩn với việc code web, nhưng trong tương lai, biết đâu chừng bạn sẽ “lấn sân” sang lập trình game, lập trình ứng dụng thì sao?

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 1

Không phải laptop nào cũng phù hợp với nhu cầu lập trình.

Dân lập trình nên chọn laptop có cấu hình ra sao?

Laptop trên thị trường hiện nay vô cùng đa dạng, đắt cũng có, rẻ cũng có, mạnh cũng có. Nhưng trước khi đi vào “kén cá chọn canh” nhiều yếu tố khác nhau, thì cấu hình máy chính là điều mà bất cứ một lập trình viên nào cũng cần ưu tiên hàng đầu. Vậy, cấu hình laptop lập trình như thế nào gọi là chuẩn?

CPU:

Tốc độ CPU phải càng nhanh càng tốt, từ 3GHZ trở nên là tuyệt vời, tối thiểu thì chip cũng nên từ i5, i7 hoặc “khủng” hơn là i9. Nghiêm cấm chip Celeron, Pentium dưới mọi hình thức, đơn giản vì chúng quá… cùi!

RAM:

Càng nhiều càng tốt. Đối với yêu cầu của ngành lập trình, RAM laptop của bạn ít nhất cũng phải 8GB, vì sẽ có một số IDE ăn RAM rất “bạo”. Nếu chi phí tài chính dư dả một tẹo, bạn có thể chi mạnh cho RAM 16GB để tối ưu hóa trải nghiệm sử dụng của mình, máy chạy phà phà, chẳng lo nghĩ gì.

Ổ cứng:

Bạn có thể cân nhắc lựa chọn giữa loại máy có ổ SSD, hoặc lắp thêm ổ SSD. Chi phí bỏ ra cho việc nâng cấp này không nhiều, nhưng lại cho hiệu quả tăng tốc độ xử lý của máy lên rất nhiều lần. Và bạn cũng cần tìm chiếc máy có ổ cứng khoảng 500GB -1TB, bởi trong quá trình làm việc, bạn sẽ phải lưu trữ rất nhiều tài liệu lẫn các phần mềm siêu nặng,…

Card đồ họa:

Nếu bạn là người làm trong lĩnh vực lập trình game, làm đồ họa hay cần encode video, thì nên sắm loại máy có card rời, hoặc card ổn ổn một tẹo. Còn đối với những nhu cầu sử dụng, code kiết phổ thông thì card onboard vẫn “nuột” như thường nhé!

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 2

Những điều cần quan tâm hàng đầu khi lựa chọn laptop dành cho lập trình viên

Ngoài cấu hình, bạn có cần phải quan tâm điều gì không?

Tất nhiên là có chứ, có rất nhiều yếu tố khác mà bạn cần phải quan tâm, chứ không thể chỉ chăm chăm vào riêng cấu hình đâu. Chẳng hạn:

Màn hình:

Bạn cần màn hình to hay nhỏ? Độ sáng như thế nào, khả năng hiển thị ra sao. Thường thì màn hình có kích thước 15 inch luôn được giới lập trình ưa chuộng, bởi vì vừa tầm mắt.

Trọng lượng:

Bạn có thường xuyên mang máy đi đây đi đó hay không? Nếu có thì nên lựa chọn loại màn hình nhỏ, nhẹ gọn. Còn nếu không cần di chuyển nhiều, thì đừng ngần ngại đầu tư loại to và nặng hơn, được tối ưu nhiều chức năng hơn, và code sướng hơn.

Pin và tản nhiệt:

Muốn pin trâu thì phải chấp nhận giá hơi “nhỉnh”. Ngoài pin thì tản nhiệt ra sao, xài lâu có bị nóng không cũng là điều mà bạn cần phải để tâm nhiều để cân nhắc “tậu” được con laptop ưng ý.

Bàn phím:

Vì nhu cầu lập trình không đơn thuần như các tác vụ văn phòng, nó đòi hỏi bạn phải gõ code rất nhiều. Vậy nên, để trải nghiệm gõ code được thoải mái triệt để, thì bạn nên kỹ lưỡng ngay từ khâu lựa chọn. Thường thì tại Mona Media, các lập trình viên đều ưu tiên các loại laptop có đèn bàn phím, do việc phải ngồi code đêm ở các developer diễn ra đều đặn như cơm bữa.

Độ bền:

Tất nhiên là khi mua laptop nói chung và tất tần tật những loại thiết bị công nghệ mang tính “hên xui”, chúng ta đều hy vọng sẽ “tậu” trúng một chiếc máy có độ bền tối ưu. Hãy tham khảo và ưu tiên những thương hiệu laptop có uy tính, được đông đảo người sử dụng đánh giá là có độ bền ổn định cùng một chế độ bảo hành tốt nhất có thể.

Giá thành:

Tất nhiên là yếu tố về giá thành sản phẩm cũng quan trọng không kém. Để không chịu áp lực quá lớn về mặt tiền bạc, bạn nên cân nhắc lựa chọn những chiếc máy phù hợp với túi tiền của mình. Trong trường hợp phần lớn những chiếc laptop mà bạn đưa vào tầm ngắm đều vượt quá ngân sách cho phép, thì việc cân nhắc sắm một chiếc máy laptop cũ cũng là một lựa chọn không tồi chút nào.

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 3

Những điều cần quan tâm hàng đầu khi lựa chọn laptop dành cho lập trình viên

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua

1. Toshiba Portege Z30-C-138:

Đối với những “trụ cứng” trong đơn vị Mona Media, thì Toshiba Portege Z30-C-138 là một trong những dòng laptop tốt nhất dành cho một lập trình viên nhờ vào khả năng vận hành, code cực phê và ti tỉ khả năng khác mà nó mang lại cho trải nghiệm của người sử dụng. Toshiba Portege Z30-C-138 có bộ xử lý nhanh, ổ SSD lớn, dung lượng RAM lên đến 16GB và thời lượng pin cực “trâu” đến 11 giờ. Rõ ràng, với những thông số kỹ thuật như thế, thì đây là một model cực kỳ lý tưởng để phục vụ cho công việc lập trình, mã hóa mà lại còn tiện lợi cho việc di chuyển.

Thông số kỹ thuật:

  • CPU: Intel Core i7-6500U 2,5 GHz
  • Card đồ họa: Intel HD 520
  • RAM: 16GB
  • Màn hình: 13,3 inch, 1920×1080 pixel
  • Lưu trữ: SSD 512GB
  • Kết nối đặc biệt: cổng VGA, đầu đọc dấu vân tay, modern 4G/LTE và A-GPS.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý một chút với những ai đang “nhăm nhe” em laptop này, chính là Toshiba Portege Z30-C-138 lại không được trang bị thiết bị ngoại vi đầu vào tốt nhất. Đồng thời, mức giá khá cao, tầm 42 triệu VNĐ cũng trở thành rào cản để nhiều lập trình viên có túi tiền eo hẹp sở hữu nó.

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 4

Toshiba Portege Z30-C-138 – Một trong những chiếc laptop tốt nhất dùng để lập trình

2. Lenovo ThinkPad E470

Thương hiệu ThinkPad từ nhà Lenovo đã không còn phải bàn cãi về tiếng tăm của nó nữa rồi. Trong danh sách Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua, Lenovo ThinkPad E470 cũng trở thành một trong những cái tên đầy tiềm năng để “so kè” với các đối thủ của mình.

ThinkPad E470 được trang bị bộ xử lý Intel Kaby Lake thế hệ thứ 7, là một trong những chiếc máy tính xách tay tốt nhất dành cho dân lập trình nhờ vào màn hình 14 inch chống chói được cung cấp bởi GPU Nvidia GeForce 940MX. Bàn phím chống tràn và Trackpoint đặc trưng của Lenovo cùng thiết kế đủ cổng với khả năng mở rộng cũng chính là một trong những điểm tạo nên sức hút của dòng máy này, để đáp ứng được nhu cầu ở mức căn bản của một lập trình viên trong nhiều năm tới.

Thông số kỹ thuật:

  • CPU: Intel Core i5-7500U 3,1 GHz
  • Card đồ họa: Intel HD 620
  • RAM: 16GB
  • Màn hình: 14 inch, HD 1366 x 768 pixel
  • Lưu trữ: Card đồ họa rời
  • Kết nối đặc biệt: cổng nguồn, cổng Ethernet RJ-45, HDMI và cổng USB 3.0 

Đặc biệt, với mức giá cực kỳ mềm cho một con laptop “khủng”, chỉ tương đương 15 triệu VNĐ, ThinkPad E470 được xem là một chuẩn mực trong phân khúc tầm trung dành cho các lập trình viên. Có điều, máy được ghi nhận là có hiện tượng hơi nóng lên ở gần khe tản nhiệt khi thực hiện các tác vụ nặng, chẳng hạn như chơi game, tuy nhiên, đó không phải là điều cản trở bạn sở hữu chiếc máy này.

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 5

Lenovo ThinkPad E470 – chất tốt, giá mềm

3. HP 255 G5

Nếu đặt nặng vấn đề về ngân sách đầu tư máy, cụ thể là bạn cần một chiếc máy “đủ xài”, giá mềm, quan trọng là bền và vẫn có khả năng nâng cấp về sau, thì chúng ta có chiếc máy laptop HP 255 G5. Không ít newbie tại công ty thiết kế website chuyên nghiệp Mona Media vẫn bắt đầu công việc lập trình, mã hóa một cách “ngon ơ” với dòng máy này đấy thôi!

Mặc dù không thể phủ nhận rằng RAM của nó hơi thấp, tuy nhiên, như chúng ta đã tìm hiểu ở trên, đây hoàn toàn không phải là nhược điểm của chiếc máy, bởi bạn vẫn có khả năng nâng cấp về sau này. Mặc khác, HP cũng tung ra nhiều cấu hình khác nhau, bao gồm cả HP 255 G5 và HP 250 G5, để bạn có thể cân nhắc và lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.

Thông số kỹ thuật:

  • CPU: AMD A6 – 7310
  • Card đồ họa: AMD Radeon R4
  • RAM: 4GB
  • Màn hình: 15,6 inch, HD 1366 x 768 pixel
  • Lưu trữ: 1 TB ổ cứng
  • Kết nối đặc biệt: đầy đủ các cổng kết nối cơ bản.

Điểm nổi bật ở chiếc máy HP 255 G5, chính là giá cả cực kỳ phải chăng để có thể sở hữu một chiếc laptop tầm trung tuyệt vời để lập trình. Chỉ với khoảng hơn 8 triệu đồng cho một chiếc laptop, đây sẽ là món hời lớn, tốt hơn rất nhiều so với việc bạn mang tiền đi “đổ” vào một con laptop “tào lao” nào đó hoặc mua lại một chiếc máy tính xách tay cũ với chất lượng “chập cheng”.

 

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 6

4. MacBook Air 13 inch

Chiếc laptop MacBook Air 2018 nhỏ gọn 13 inch rất “được lòng” các chị em văn phòng, nhưng lại càng “hớp hồn” các lập trình viên hơn. Nếu bạn là một “fan cứng” nhà Táo thì chắc kèo bạn cũng đã hiểu được lý do tại sao Macbook Air 13 inch 2018 lại có mặt trong Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua rồi đấy.

Phỏng vấn một loạt những anh chàng lập trình viên với cặp mắt kính dày cộm tại văn phòng công ty Mona Media cho thấy rằng đây là một trong những dòng laptop tốt nhất, phổ biến và được sử dụng nhiều nhất. Nguyên nhân là nhờ phần cứng của sản phẩm được cải thiện, để cho hiệu năng hoạt động cực kỳ tốt, bao gồm bộ xử lý thế hệ thứ 8, được nâng cấp dung lượng RAM lớn hơn và SSD nhanh hơn so với những “người tiền nhiệm”. Đi kèm theo đó là một thiết kế sang chảnh, mỏng nhẹ và giá cả phải chăng, chỉ khoảng 25 triệu VNĐ.

Thông số kỹ thuật:

  • CPU: Intel Core i5 lõi kép
  • Card đồ họa: Intel UHD 617
  • RAM: 8GB – 16GB
  • Màn hình: Retina 13,3 inch, 2560×1600 với đèn nền LED, IPS
  • Lưu trữ: SSD 128GB – 1,5TB PCie 3.0

Tất nhiên quyết định mua hay không vẫn nằm 100% ở bạn. Tuy nhiên, MacBook Air 2018 thật sự là một thiết kế “đáng đồng tiền bát gạo” cho mọi nhu cầu, từ sử dụng cho nhu cầu soạn thảo văn phòng, giải trí chơi game hay lập trình, thiết kế như chúng ta đang nói đến, giúp bạn thoải mái hơn khi sử dụng và trải nghiệm.

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 7

Macbook Air 2018 – mỏng, nhẹ, năng suất cao.

5. MacBook Pro 2017

Nếu Macbook Air 2018 là dòng laptop nhân viên xài, thì Macbook Pro 2017 chính là thiết bị hàng đầu mà … Sếp lựa chọn.

Macbook Pro được mệnh danh là chiếc Macbook mạnh mẽ nhất mà “gã khổng lồ công nghệ” Cupertino cho ra đời. Với bộ xử lý lõi hexa và bộ nhớ RAM, bất kể khối lượng công việc của bạn là bao nhiêu, hàng tá dự án lập trình thiết kế phần mềm, ứng dụng hay website cũng không là vấn đề, vì Macbook Pro “vi diệu” đều có khả năng xử lý gãy gọn!

Thông số kỹ thuật:

  • CPU: Intel Core i7 6 nhân – i9 mạnh mẽ
  • Card đồ họa: AMD Radeon Pro 540X – 560X, Intel Graphics UHD 630
  • RAM: 16GB – 32GB
  • Màn hình: Retina 15,4 inch, 2880×1800
  • Lưu trữ: 512GB – 4TB SSD

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, Macbook Pro, có xứng đáng để bạn “rút hầu bao” hơn 50 triệu VNĐ để sở hữu hay không? Sẽ không có bất cứ câu trả lời cụ thể nào dành cho bạn rằng nên hay không, điều đó được quyết định bởi nhu cầu của chính bạn.

Nếu bạn là một lập trình viên trình master, thường xuyên sử dụng laptop cho các tác vụ nặng và chạy đa nhiệm, thì hiệu suất và tốc độ đáng kinh ngạc của Macbook Pro sẽ cực kỳ hoàn hảo để hỗ trợ đắc lực, giúp bạn thao tác các tập dữ liệu lớn, các mô phỏng phức tạp hoặc chỉnh sửa ảnh- video nâng cao,…

Còn trong trường hợp bạn không cần đến hiệu suất mạnh mẽ đến như thế, không cần một thiết bị hiện đại, có thể nhồi nhét một phần cứng mạnh mẽ vào trong một thiết bị mỏng nhẹ, mà chỉ yêu cầu đáp ứng được các tác vụ cần và đủ của ngành lập trình, thì những dòng máy khác trong Top 10 laptop dành cho lập trình viên vẫn có thể fix hoàn toàn với nhu cầu của bạn, hơn nữa còn giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí “to đùng” ấy chứ!

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 8

Macbook Pro – chiếc laptop ao ước của mọi lập trình viên

6. Microsoft Surface Pro 6

Surface Pro là dòng sản phẩm 2 in 1 ấn tượng, kết hợp giữa laptop và tablet mà Microsoft trình làng trên thị trường. Tuy nhiên, khác với những định kiến của chúng ta rằng các dòng sản phẩm quá đa-zi-năng đều có vấn đề trong quá trình sử dụng, thì Microsoft Surface Pro 6 lại đập tan những nghi ngại và ghi tên mình vào danh sách 10 chiếc laptop “đỉnh” nhất dành cho dân lập trình.

Với bộ xử lý lõi tứ và dung lượng RAM lớn, bạn sẽ có thể biên dịch mã nhanh chóng và hoàn thiện nhất, kể cả khi đang chi chuyển. Các thao tác để “hô biến” thiết bị từ một chiếc tablet trở thành laptop cũng nhanh gọn trong vòng 1 nốt nhạc. Nhìn chung thiết kế sang trọng của Microsoft Surface Pro 6 quả không chê vào đâu được. Với thiết kế nguyên khối tuyệt vời, màn hình siêu đẹp cùng camera chất lượng cao, thì kể cả khi bạn là một lập trình viên không có quá nhiều tiêu chuẩn thẩm mỹ vẫn phải ngoái nhìn.

Thông số kỹ thuật:

  • CPU:  Intel Core i5-i7 thế hệ thứ 5
  • Card đồ họa:  Intel Core i5-i7 thế hệ thứ 5
  • RAM: 8-16GB
  • Màn hình: 12,3 inch, 2,736 x 1,824 PixelSense
  • Lưu trữ: SSD 128GB-1TB
  • Kết nối đặc biệt: Wi-Fi 802.11ac; Bluetooth 4.1

Dẫu vậy, mỗi sản phẩm đều sẽ hướng đến một phân khúc người dùng nhất định. Nếu bạn cần một thiết bị lập trình tối ưu hóa hiệu năng, pin tốt, màn hình đẹp, nhỏ gọn và thuận tiện trong việc di chuyển, thì Surface Pro 6 sẽ là một sản phẩm hàng đầu mà bạn nên ưu tiên trải nghiệm, tất nhiên cũng không thể kể thiếu yếu tố “rủng rỉnh” rồi! Còn nếu bạn vẫn chưa thật sự hài lòng về sản phẩm, có thể tiếp tục tham khảo nốt một số mẫu laptop khác cũng rất “được lòng” các developers sau đây nhé!

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 9

Microsoft Surface Pro 6 – Cô nàng “hai mặt” đáng sở hữu.

7. Google Pixelbook

Kể cả khi Chrome OS chưa bao giờ được thừa nhận và đánh giá là ổn định để lập trình như nền tảng Windows hoặc Mac OS, nhưng sự hỗ trợ của Google Pixelbook – một trong những chiếc Chromebook tốt nhất để lập trình dành cho Android khiến nó trở một trong những chiếc laptop xách tay đáng sở hữu dành cho bất cứ nhà phát triển, lập trình phần mềm Android nào.

Chạy hệ điều hành Chrome OS, PixelBook là phiên bản hoàn hảo của Chromebook với cấu hình được đánh giá là một trong những thiết bị tích hợp màn hình cảm ứng với cấu hình siêu mạnh. Không chỉ là một chiếc laptop cực thích hợp để trở thành “cạ cứng” cho bất cứ ai hoạt động trong lĩnh vực lập trình, mà nó còn trở thành lựa chọn chuẩn cho hầu hết người tiêu dùng bình thường khi kết hợp tốt giữa chất lượng phần cứng, phần mềm, hiệu suất đến kiểu dáng của sản phẩm.

Thông số kỹ thuật:

  • CPU:  Intel Core i5-i7 thế hệ thứ 7
  • Card đồ họa:  Intel HD 615
  • RAM: 8-16GB
  • Màn hình: LCD 2400×1600 (235 ppi)
  • Lưu trữ: SSD 128GB- 512GB

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Pixelbook vẫn “chễm chệ” trên ngai vàng như một chiếc chromebook tốt nhất trên thị trường với thiết kế hiện đại, bàn phím cho trải nghiệm tốt, cấu hình mạnh, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận là thiết bị này vẫn còn nhiều thiếu sót như loa ngoài không thật sự hay, giá thành lại không thật sự cạnh tranh so với các đối thủ khác trong cùng phân khúc. Do đó, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 10

Google Pixelbook – Cú hích đáng cân nhắc

8. Asus Chromebook Flip

Đối với những lập trình viên aka. tín đồ của sản phẩm công nghệ đến từ thương hiệu ASUS, thì Chromebook Flip chính là một trong những chiếc Chromebook đáng sở hữu nhất, không chỉ nhờ vào kiểu dáng đẹp mắt, hiện đại, mà còn bởi vì nó là một bản dựng cao cấp với màn hình cảm ứng nhạy bén tuyệt vời, kết hợp với các thành phần mạnh mẽ đi kèm cùng mức giá cực tốt.

Điều mà ai cũng biết, Chrome OS không trình làng quá nhiều công cụ cho khả năng lập trình mạnh mẽ, nhưng ASUS Chromebook Flip lại được giới chuyên môn đánh giá là một trong những chiếc laptop tốt nhất phục vụ cho mục đích lập trình, viết code – nếu bạn là một developers chuyên sâu về phát triển website.

Thông số kỹ thuật:

  • CPU:  Intel Pentium 4405Y – Intel Core m3-6Y30
  • Card đồ họa:  Intel HD 515
  • RAM: 4GB
  • Màn hình: FHD (1.920 x 1.080) Đèn nền LED chống chói
  • Lưu trữ: 32GB – 64GB eMMC

Nhiều người thậm chí còn không ngần ngại khẳng định rằng ASUS Chromebook Flip hoàn toàn có đủ khả năng để trực tiếp “tuyên chiến” với đối thủ nặng ký là Pixelbook, thậm chí còn nhỉnh hơn về mặt giá thành, khi chiếc laptop này chỉ có giá khoảng 11 triệu VNĐ, thấp hơn đối thủ của mình đến hơn 10 triệu VNĐ.

Tuy nhiên, tôi lại không đồng tình với điều đấy. Trên thực tế thì sản phẩm chỉ hoàn hảo để code web, bởi vì so với các dòng máy khác trong danh sách mà chúng ta đang tìm hiểu đây, thì cả cấu hình, dung lượng lưu trữ, chất lượng màn hình lẫn nhiều yếu tố khác ở ASUS Chromebook đều thua xa. Đó là chưa kể đến việc bàn phím của ASUS Chromebook cũng chưa thể tạo cảm giác “phê pha” khi gõ code như Pixelbook nhà Google, một số hạn chế khác như ít kết nối cũng khiến khoảng cách giữa người dùng có nhu cầu “tậu” laptop và thiết bị này trở nên xa vời hơn đáng kể.

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 11

ASUS Chromebook Flip – tốt, nhưng chưa đủ.

9. Microsoft Surface Book 2 (13,5 inch)

Ngoài Microsoft Surface Pro, Surface Book 2 cũng là một sản phẩm đầy triển vọng hướng đến đối tượng lập trình viên mà “ông lớn” Microsoft đã trình làng trên thị trường. Nó được mệnh danh là một trong những chiếc laptop 2in1 mạnh mẽ nhất hành tinh. Surface Book sở hữu hàng loạt các thành phần cấu hình đủ mạnh để “cân kèo” hầu hết mọi tác vụ mà bạn “ném” vào nó, bao gồm một số trò chơi giải trí, xử lý công việc tin học văn phòng và tất nhiên là lập trình phần mềm, ứng dụng,… 

Thông số kỹ thuật:

  • CPU:  Intel Core i5-7300U – Intel Core i7-8650U 1.9GHz
  • Card đồ họa:  Intel UHD 620 Graphics. Nvidia GeForce GTX 1050 (2GB GDDR5 VRAM)
  • RAM: 8GB – 16GB
  • Màn hình: 3.000 x 2.000 (267 ppi). PixelSense, tỷ lệ khung hình 3: 2
  • Lưu trữ:  SSD 256GB – 1TB

Và đừng vội chê bai phiên bản truyền thống của Surface Book 2 bé tẹo chỉ có 13,5 inch nhé, bởi vì Microsoft đã chính thức bổ sung kèm phiên bản 15 inch để tối ưu hóa trải nghiệm của những người tiêu dùng mong muốn một sản phẩm có màn hình lớn. Và tôi chắc chắn rằng chiếc máy pin cực “trâu” này hoàn toàn xứng đáng với số tiền 25 triệu VNĐ mà bạn phải bỏ ra để sở hữu một “ẻm” cho mình.

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 12

Microsoft Surface Book 2 – lựa chọn lý tưởng cho lập trình viên

10. Apple MacBook Pro (13 inch, 2018)

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chính là chiếc Macbook Pro 2018. Quả không hổ danh là Apple, khi có đến 3 dòng máy tính xách tay chỉ trong một danh sách Top 10, mà lại còn là Top 10 máy tính “xịn sò” nhất để phục vụ nhu cầu lập trình nữa chứ!

Hiệu năng của thế hệ Macbook Pro 2018 mạnh hơn đáng kể so với “đàn anh” 2017 của mình. Điều này thể hiện rất rõ trong các bài kiểm tra cấu hình, khi điểm số của Macbook Pro 2018 cao hơn từ 1,5-2 lần so với phiên bản cũ, thậm chí phiên bản Macbook Pro 13 inch 2018 còn cho điểm số cao hơn đến 83,8% so với phiên bản tiền nhiệm.

Thông số kỹ thuật:

  • CPU:  Intel Core i5 thế hệ thứ 8 – i7
  • Card đồ họa: Đồ họa Intel Iris Plus 655
  • RAM: 16GB – 32GB
  • Màn hình: 13,3 inch, Retina 2.560 x 1.600 pixel
  • Lưu trữ: SSD, 256GB

Chính bởi những đặc điểm này, lập trình viên sẽ phải tự làm một cuộc so sánh nhẩm trong đầu rằng liệu có nên nâng cấp “cạ cứng” của mình hay không, khi Macbook Pro 2018 lại cho khả năng phục vụ quá tốt cho hầu hết mọi nhu cầu trên máy tính của bạn, từ những công việc giải trí đồ họa “đỉnh” cho đến các tác vụ đòi hỏi khả năng xử lý “cực phẩm” đến từ CPU.

Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua 13

Macbook Pro 2018 – “cao thủ” trong Top 10 laptop dành cho lập trình viên

Kết luận:

Ái chà, cuối cùng thì chúng ta cũng đã tìm hiểu xong Top 10 laptop dành cho lập trình viên mà bạn nên mua rồi đấy! Cũng phải nói thêm là do những dòng máy trên đều được tham khảo trên nhu cầu sử dụng của đội ngũ “soái ca” lập trình viên tại Mona Media, để các bạn có cái nhìn khách quan nhất về cách chọn lựa máy của chính những chuyên gia trong ngành, do đó, tất nhiên là bài viết sẽ tương đối “bó khung” một chút. Nhưng điều đó không đồng nghĩa những dòng máy khác trên thị trường là không tốt đâu nhé, chỉ là trong giới hạn vài nghìn chữ, thì chúng ta khó có thể “mổ xẻ” tất thảy thôi.

Vậy nên, nếu bạn có “săm soi” được dòng máy ngon nghẻ nào, đừng ngần ngại chia sẻ ngay với chúng tôi để hỗ trợ những “đồng chí” đang đi trên bước đường lập trình như bạn nhé!